Kết quả thực hiện công tác Bảo tồn rùa biển năm 2018 tại Vườn quốc gia Côn Đảo

Thứ ba, 08/01/2019, 14:56 GMT+7
4239 xem
Chia sẻ:

Công tác bảo tồn và cứu hộ Rùa biển đã được Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện có hệ thống và liên tục từ năm 1994 đến nay, các hoạt động nghiên cứu bảo tồn rùa biển như: đeo thẻ cho rùa mẹ để ghi nhận các thông tin số lần đẻ trong mùa sinh sản, chu kỳ đẻ trứng của rùa mẹ, địa điểm di cư của rùa mẹ; cứu hộ trứng rùa biển; đeo máy theo dõi qua vệ tinh; nghiên cứu ảnh hưởng nhiệt độ trong tổ trứng đến giới tính của rùa con; nghiên cứu sự tác động của biến đổi bờ biển đến sự sinh sản của rùa biển và nghiên cứu cấu trúc ADN của quần thể rùa biển tại Côn Đảo, đến nay Vườn quốc gia Côn Đảo đã đeo thẻ cho trên 3.110 rùa mẹ, ghi nhận có khoảng 9.948 rùa mẹ lên bãi đẻ trứng; đã di dời cứu hộ thành công 24.490 tổ rùa với tổng số trứng là 2.293.977 trứng; ấp nở và thả về biển có kiểm soát 1.824.660 cá thể rùa con với tỷ lệ nở trung bình 80%, các kết quả các nghiên cứu trên là những dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn rùa biển không những tại Côn Đảo mà còn có giá trị trong cả nước, đóng góp rất quan trọng trong Chiến lược hành động đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực.

5

Rùa con sau khi nở được thả trở về biển

Các quần thể rùa biển đẻ trứng tại các bãi cát thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo quản lý đang gặp rất nhiều các tác nhân đe dọa như sự đẻ trứng trùng lặp của rùa mẹ (rùa mẹ lên sau, bới tổ của rùa mẹ trước làm hỏng trứng); một số động vật đào, bới ăn trứng; sự xói mòn, xói lỡ các bãi cát dưới tác động của sóng, gió, dòng chảy và thủy triều ngày càng tăng do biến đổi khí hậu làm mất sinh cảnh đẻ trứng của rùa biển; con người khai thác trái phép trứng rùa biển để làm thực phẩm…vv. Qua thống kê, nếu sau khi rùa mẹ lên đẻ trứng không được di dời, cứu hộ thì tỷ lệ thất thoát gần 50% số lượng trứng do bị hư hại, địch hại. Trước tác động của thiên nhiên và con người, việc nghiên cứu đặc tính sinh vật học để di dời cứu hộ trứng về hồ ấp nhằm nâng cao tỷ lệ nở của rùa con, thuận lợi cho công tác tuần tra, bảo vệ là cấp thiết cần phải thực hiện liên tục hàng năm.

Thực hiện Dự án “Di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu” giai đoạn 2017 – 2020 đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 1920/QĐ-UBND ngày 13/7/2017. Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch Bảo tồn Rùa biển năm 2018, nhằm mục đích: tăng cường bảo vệ rùa mẹ, rùa con mới nở và trứng trên các bãi đẻ; hạn chế ở mức thấp nhất sự bất lợi từ tự nhiên và con người ảnh hưởng đến rùa mẹ, sức sinh sản của chúng ở các trạm bảo tồn và một số bãi theo dõi; nghiên cứu các đặc tính sinh thái và đặc tính sinh vật học để bảo tồn chúng được tốt hơn.

Kết quả thực hiện Bảo tồn rùa biển năm 2018: đã tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, phương pháp quản lý bảo tồn rùa biển cho công chức, người lao động tại các Trạm Kiểm lâm có rùa biển và một số viên chức liên quan; xây dựng 06 hồ ấp trứng rùa tại các trạm bảo tồn như Hòn Tài; hòn Tre Lớn; bãi Đất Thắm; Hòn Cau; bãi Cát Lớn - hòn Bảy Cạnh; Bãi Dương và 02 chòi trực, bảo vệ rùa biển tại bãi Ông Câu và hòn Tre Lớn; mua 1.000 thẻ đeo rùa và 05 kìm bấm thẻ và vật tư dụng cụ cứu hộ; chấm công thêm giờ cho Công chức Kiểm lâm tham gia thực hiện công tác bảo tồn rùa biển. Năm 2018 đã đeo thẻ cho 257 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ lần đầu; số rùa biển lên các bãi đẻ thành công là 1.174 tổ, tấc cả các tổ rùa đẻ điều được di dời về các hồ ấp trứng (100%) với tổng số là 107.102 trứng, ấp nở 1.074 tổ, thời gian ấp trứng nở trung bình 55 ngày; thả về biển có kiểm soát là 81.137 cá thể rùa con; tỷ lệ trứng nở 81,08% (số liệu được tính đến ngày 15/11/2018).

Ynh_-45

Các tình nguyên viên tham gia công tác bảo tồn rùa biển năm 2018

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) đã phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo tổ chức thành công Chương trình Tình nguyện viên (TNV) bảo tồn rùa biển hè năm 2018, đã tổ chức thành công 03 đợt, mỗi đợt 10 ngày cho 32 tình nguyện viên tham gia di dời, cứu hộ, bảo tồn rùa biển tại các đảo nhỏ các TNV đã đóng góp 320 ngày công; tham gia cùng Kiểm lâm di dời an toàn 120 tổ trứng với 11.686 trứng; theo dõi số rùa con nở 64 tổ, thả về biển 4.486 cá thể rùa con; San lấp bãi rùa đẻ trứng; hỗ trợ cải tạo thay mới, gia cố hàng rào hồ ấp trứng rùa, vệ sinh hồ ấp trứng rùa và các tổ rùa sau khi nở; tham gia với Kiểm lâm 30 lượt tuần tra bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Hỗ trợ, trao đổi một số kiến thức cơ bản về ngoại ngữ (Anh văn) giao tiếp cho lực lượng Kiểm lâm nơi TNV làm việc; thu gom, xử lý khoảng 18m3 rác; làm 06 bảng tuyên truyền về việc không sử dụng và không để lại rác thải nhựa trên đảo.

Hỗ trợ, bàn giao 500 trứng rùa biển cho Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – tỉnh Quảng Nam thực hiện đề tài bảo tồn chuyển vị rùa biển theo sự cho phép của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã làm tốt công tác cứu hộ, bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo. Qua đó biết được phần lớn các tập tính và đặc tính sinh thái của loài rùa biển ở giai đoạn rùa mẹ lên bãi làm tổ, quá trình ấp trứng. Từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn rùa biển phù hợp với điều kiện Côn Đảo và các vùng khác của Việt Nam. Côn Đảo thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu và bảo tồn rùa biển, là nơi có số lượng rùa biển về làn tổ, số tổ trứng và số rùa con được thả về biển nhiều nhất Việt Nam./.

Tin bài và ảnh: Nguyễn Văn Vững

Phòng Bảo tồn biển và Đất ngập nước

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc