Giáo dục môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi Vườn Quốc gia. Từ năm 1998 - 2000, vấn đề giáo dục môi trường ở Côn Đảo đã được tích cực triển khai thực hiện nhưng chưa thường xuyên và chưa có hệ thống, các hình thức tuyên truyền chưa đa dạng và phù hợp với từng đối tượng. Từ năm 2001 - 2003 được sự giúp đỡ về kinh phí và chuyên môn của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (W.W.F Indochina Programme) thì công tác giáo dục môi trường ở đây đã thực sự nâng cao được nhận thức cộng đồng trong công tác bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên tại Côn Đảo. Năm 2004 - 2005 được sự tài trợ của Quỹ môi trường SIDA Thụy Điển cho Dự án nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho ngư dân và lực lượng vũ trang tại Côn Đảo đã đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng của Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Dân số Côn Đảo khoảng hơn 6.000 người, phân bố chủ yếu ở hai khu vực thị trấn Côn Đảo và khu Cỏ Ống, nghề nghiệp chính là nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Ngoài ra còn có một số đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trong diện tích vườn quản lý. Đây cũng là những đối tượng cần được tuyên truyền nâng cao nhận thức.
Côn Đảo là một ngư trường lớn và là điểm du lịch nổi tiếng vì thế hàng năm có hàng ngàn lượt ngư dân và khách du lịch đến Côn Đảo. Muốn bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên Côn Đảo hiện nay và trong tương lai một vấn đề cần quan tâm và triển khai thực hiện là tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên tại Côn Đảo.
Về mục tiêu: Tăng cường nhận thức việc chấp hành các qui định của nhà nước về bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường; Tăng cường hiểu biết về tài nguyên, môi trường Côn Đảo và những mối đe doạ đối với tài nguyên, thiên nhiên, môi trường; Nhận thức trách nhiệm của người dân đối với các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên tại Côn Đảo.
Nội dung thực hiện:
- Chương trình giáo dục môi trường cho học sinh địa phương
Giáo dục học sinh thông qua chương trình câu lạc bộ bảo tồn trong trường học và chương trình tham quan tìm hiểu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường trên thực tế. Đây là hình thức giáo dục để nâng cao kiến thức và nhận thức cho học sinh về môi trường. Chương trình hoạt động định kỳ 1 tuần 1 lần và được thực hiện ngoài giờ học của các em dưới hình thức câu lạc bộ (Câu lạc bộ xanh, Cây là bạn của chúng ta,…).
Ngoài ra, trong dịp hè còn tổ chức cho các em học sinh tham quan dã ngoại kết hợp tìm hiểu về tài nguyên và môi trường như tìm hiểu về các hệ sinh, tìm hiểu đời sống hoang dã của rùa biển, hoạt động thu gom rác trên bãi biển, trồng cây, …
- Chương trình truyền giáo dục lưu động trên biển cho ngư dân
Chương trình tuyên truyền lưu động trên biển để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển, giúp cho ngư dân hiểu được tầm quan trọng của hệ sinh thái biển từ đó họ có ý thức bảo vệ môi trường và sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên biển. Ngoài ra, phân phát các tờ rơi cho ngư dân nắm được các loài động vật biển đa được ưu tiên bảo vệ, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và các phân vùng chức năng biển của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Phổ biến các qui định của nhà nước, địa phương đối với việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển tại Côn Đảo.
- Chương trình giáo dục cho khách du lịch
Côn Đảo là một trong những điểm có tiềm năng du lịch lớn của nước ta, hàng năm có số lượng đến tham quan Côn Đảo khá nhiều. Đây cũng là đối tượng có thể ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường (mua hàng lưu niệm có nguồn gốc từ thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, làm gãy san hô khi đi du lịch lặn,... ) nếu chúng ta không làm tốt công tác giáo dục. Hình thức tuyên truyền cho các đối tượng này làm dùng các bảng nội qui, diễn giải thiên nhiên, tờ rơi,... được đặt ở các điểm du lịch mà du khách đến tham quan.
- Chương trình giáo dục cho cộng đồng dân cư địa phương
Để nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng dân cư địa phương, dựa vào tình hình thực tế chúng ta có thể giới thiệu các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu các hệ sinh thái điển hình tại Côn Đảo, tầm quan trọng và các mối đe dọa đối với chúng trên đài truyền hình địa phương mỗi tháng thực hiện một chuyên đề, mỗi chuyên đề có thời lượng 10 phút.
- Chương trình tuyên truyền giáo dục cho lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện.
- Tuyên truyền về nội dung bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển, các loài động thực vật quý hiếm cần bảo vệ và các mối đe dọa với tài nguyên rừng và biển đặc biệt là những loài quý hiếm.
- Tuyên truyền về nội dung Phòng chống cháy rừng và nội quy bảo vệ của VQG.
Hiệu quả của chương trình: Sau hơn nhiều năm triển khai chương trình giáo dục môi trường tại địa phương thì nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư được nâng lên, họ có cách nhìn thiện cảm hơn đối với môi trường và có hành động có ích đối với tài nguyên môi trường Côn Đảo, cộng đồng dân cư tự nguyên tham gia vào các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương.
Chia sẽ kinh nghiệm cho các khu bảo tồn thiên của Việt Nam.
Những kinh nghiệm sẽ là cơ sở cho công tác giáo dục môi trường trong tương lại tại Côn Đảo được tốt hơn.