Chiều 28/11, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Cây di sản và Bằng xác lập Kỷ lục sân chim Hòn Trứng, nhân kỷ niệm “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” (28/11/1959-28/11/2024).
Sự kiện đánh dấu nỗ lực của Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường bền vững. Đồng thời, đây còn là dịp giới thiệu và quảng bá đa dạng sinh học của huyện Côn Đảo cho phát triển du lịch.
Tại buổi lễ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận 24 Cây di sản cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Trong đó có 1 cây Bàng tại Hòn Bảy Cạnh (237 tuổi, chu vi 7m, cao 17m); 1 cây Bàng tại Bãi Ông Đụng (155 tuổi, chu vi 4,6m, cao 14m); 1 cây Sao đen tại Bãi Dài (237 tuổi, chu vi 7,9m, cao 25m) và quần thể 21 cây Phong ba tại Hòn Cau (119 tuổi, chu vi lớn nhất 274m). Như vậy, tính đến nay, toàn huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) có 105 Cây Di sản, bao gồm: Bàng, Bằng lăng, Thị, Nhội, Cóc đỏ…
Cây Sao Đen 237 năm tuổi
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao Bằng xác lập kỷ lục Hòn Trứng là sân chim biển có mật độ sinh sản nhiều nhất Việt Nam cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Hòn Trứng là một đảo nhỏ quan trọng của Vườn Quốc gia Côn Đảo, diện tích gần 2ha, hoang vắng, chỉ có cỏ bụi và đá. Tuy nhiên, nơi đây trở thành địa bàn cư trú, sinh sản của nhiều loài chim quý hiếm như: Nhàn lưng đen, Nhàn mào lớn, Điên bụng trắng, Yến hông trắng, Nhàn đầu xám… Mật độ trứng khảo sát được trung bình 4,88 trứng/m2. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, lễ đón nhận danh hiệu Cây Di sản và Bằng xác lập Kỷ lục sân chim Hòn Trứng tại Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo là một sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của Vườn Quốc gia Côn Đảo, cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên. Đây không chỉ là một dấu ấn cho sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và di sản văn hóa. Thông qua những việc này, Vườn Quốc gia Côn Đảo, doanh nghiệp, người dân cùng tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, góp phần phát triển kinh tế địa phương và quảng bá các điểm đến của Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung đến với du khách trong nước và quốc tế.
Chim Nhàn mào quý hiếm tại Sân chim Hòn Trứng
Theo điều tra, thống kê, Vườn Quốc gia Côn Đảo có 1.077 loài thực vật, thuộc 640 chi, của 160 họ thực vật bậc cao có mạch, trong 6 ngành thực vật và 155 loài động vật thuộc 64 họ, 26 bộ gồm 25 loài thú, 85 loài chim 32 loài bò sát và 13 loài ếch, nhái...
Thảm thực vật rừng Vườn Quốc gia Côn Đảo mang tính đặc trưng, tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, biểu hiện qua các hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng nửa rụng lá, rừng tre và rừng ngập mặn ven biển. Cùng với việc bảo tồn các hệ sinh thái rừng tự nhiên trên đảo, công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn một số loài thực vật cũng được quan tâm, chú trọng xuyên suốt mấy chục năm qua, các đề tài nghiên cứu, ứng dụng như: trồng rừng ngập mặn trên nền cát, san hô chết tại một số đảo; trồng rừng phục hồi sau cơn bão Linda 1997; nghiên cứu đặc tính sinh thái và nhân giống Cây cóc đỏ (loài thực vật nguy cấp, quý hiếm) lần đầu tìm thấy ở Vườn Quốc gia Côn Đảo…và nhiều công trình bảo tồn, nghiên cứu khác. Bên cạnh bảo tồn và nghiên cứu khoa học, Vườn quốc gia Côn Đảo còn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị những cây thân gỗ, đa phần là cây cổ thụ, có từ lâu đời và chứa đựng các giá trị lớn lao về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái… Lễ đón nhận và xác lập kỷ lục còn là dịp để giới thiệu và quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Du khách không chỉ được tham quan và khám phá cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn có cơ hội tìm hiểu về các loài động thực vật đặc hữu, cũng như tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là một hình thức du lịch bền vững, mang lại lợi ích không chỉ cho du khách mà còn cho cộng đồng địa phương và hệ sinh thái.
TS.Luật sư Nguyễn Văn Viễn - Viện trưởng Viện Sở hữu Trí tuệ, Phó Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc
trao bằng Kỷ lục Việt Nam đến Lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Chiều cùng ngày, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) tổ chức lễ tổng kết chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển năm 2024.
Năm 2024, có hơn 140 tình nguyên viên trúng tuyển chương trình bảo tồn rùa biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Các tình nguyện viên chia làm 7 đợt, bắt đầu đến Côn Đảo làm tình nguyện từ ngày 13/6 và kết thúc vào ngày 21/8 với 1.232 ngày công. Tình nguyện viên đã hỗ trợ kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thực hiện công việc bảo tồn rùa biển như: theo dõi, di dời an toàn 424 tổ trứng với 44.006 trứng, thả về biển thành công 12.238 cá thể rùa con, san lấp bãi rùa đẻ trứng, vệ sinh hồ ấp trứng rùa... Bên cạnh đó, lực lượng tình nguyện viên còn tham gia hướng dẫn, giới thiệu về công tác cứu hộ rùa biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho khách du lịch; thu gom, xử lý rác tại các đảo nhỏ; tăng gia sản xuất; thu nhặt, tái chế rác thải thành dụng cụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo tồn rùa biển...
Ông Jake Brunner, Giám đốc Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN khu vực Việt Nam-Myanmar-Lào-Cambodia-Thái Lan
trao tặng thẻ đeo rùa biển cho Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển được IUCN khởi xướng từ năm 2014 với sự hợp tác của Vườn Quốc gia Côn Đảo, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Tình nguyện viên ra Côn Đảo hỗ trợ lực lượng kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo tồn rùa biển vào cao điểm mùa rùa đẻ trứng (từ tháng 6 đến tháng 9). Tình nguyện viên tham gia chương trình rất đa dạng, bao gồm sinh viên, công chức, doanh nhân, lao động tự do, bác sĩ, luật gia, nghệ thuật, giáo viên, nhà báo.
Tin bài - Thảo Vy