Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là loài hoang dã, giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng (Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008)Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là loài hoang dã, giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng (Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008).
Rừng ngập mặn tại Côn Đảo là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam được phân bố trên nền sỏi, cát, vụn san hô chết và vùng triều nước mặn; có vai trò quan trọng trong việc ươm nuôi, cung cấp nguồn giống của nhiều loài hải sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao; có tầm quan trọng trong bảo vệ môi trường và đây cũng là sinh cảnh của nhiều loài sinh vật biển quý, hiếm, nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng.
Rừng ngặp mặn tại Hòn Bảy Cạnh
Thực vật rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Côn Đảo có tổng cộng 46 loài, trong đó có 28 loài cây rừng ngập mặn thực sự thuộc 14 họ và 18 loài tham gia thuộc 13 họ. Qua nghiên cứu, rừng ngập mặn Vườn quốc gia Côn Đảo có các loài cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: Đước đôi (Rhizophora apiculata Blume), Quao nước (Dolichandrone spathacea (L.)K.Sch) và Cóc đỏ (Lumnitzera littorea (Jack) Voigt.). Đặc biệt có phân bố loài Vẹt hainesii (Bruguiera hainessii C.G.Rogers) là loài được phát hiện đầu tiên tại Việt Nam, đây là loài cây ngập mặn chính thức thuộc họ Đước (Rhizophoraceae).
Về hình thái: Cây cao đến 15 m, rể có hình cùi chỏ, vỏ cây màu nâu và màu xám. Lá có hình bầu dục và hình thoi, kích thước 9-13 x 4-6 cm, hai đầu lá nhọn; số gân lá từ 10 đến 11 đôi nhỏ dần về phía hai đầu, cuống lá dài 2,5 đến 3,8 cm, lá kèm có màu xanh lục hoặc màu đọt chuối, dài từ 3,5 đến 4,2 cm trước khi rụng. Hoa tự sim có 2 đến 3 hoa nở ở các đốt chồi 3 (2). Cuống hoa dài 7-13 mm, cuống nhỏ dài 6-8 mm có màu xanh lục hoặc màu đọt chuối. Có từ 10 đến 11 đài hoa dài bằng ống tràng có màu đọt chuối hoặc màu hồng nhạt hoặc đỏ, ống tràng dài từ 1-1,2 cm, có đường kính 5 mm, có vân mờ ở gần đài hoa (khi khô vân sẽ nổi lên). Cánh hoa dài 7-8 mm có hình chẻ đôi được bao phủ rậm rạp bởi các sợi lông trong suốt nằm ở hai bên mép từ dưới chân lên ngọn; thùy hoa dài bằng 1/3 cánh hoa, mỗi thùy có 2-3 sợi tơ cứng dài từ 2,5-3 mm ở trên ngọn, có một ít lông ở phần trên của thùy hoa, tơ cứng lõm gian thùy dài hơn ngọn cánh hoa 3-4 mm. Nhị hoa nhiều hơn gấp 2 lần cánh hoa, một cặp nhị hoa được bao phủ bởi một cánh hoa; tuyến phần dài 5-6 mm.
Vẹt Hainesii phân bố Hòn Bà
Trên thế giới loài Vẹt hainesii phân bố: Từ Ấn Độ đến Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Papua New Guinea. Người ta ước tính chỉ có khoảng 200 cây riêng lẻ của Vẹt hainesii có thể được tìm thấy trong tự nhiên, khiến nó trở thành một trong những loài cây ngập mặn có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Tại Singapore, hiện chỉ có tổng cộng 04 cây thuộc loài này được tìm thấy tại Pasir Ris, Kranji Nature Trail và Pulau Ubin. Ngoài việc được phân loại là "Cực kỳ nguy cấp" trong Sách đỏ Singapore (tái bản lần thứ 2, 2008); Vẹt hainesii còn được liệt kê là loài "Cực kỳ nguy cấp" trong Danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) (theo https://www.nparks.gov.sg/florafaunaweb/flora/4/0/4002).
Tại Côn Đảo, loài Vẹt hainesii chỉ phân bố ở khu vực Đầm Quốc, Hòn Bà với số lượng chỉ có 04 cây. Qua theo dõi loài Vẹt hainesii ra nhiều hoa, mùa ra hoa gần như quanh năm nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp. Qua nhiều năm theo dõi không có cây tái sinh trong điều kiện tự nhiên. Vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn về khả năng thích nghi, phân bố cũng như khả năng tái sinh của cây Vẹt hainesii trong tự nhiên tại Côn Đảo từ đó nhân rộng, phát triển loài Vẹt này.
Vẹt Hainesii hiếm hoi ra quả
Để bảo tồn, nhân rộng loài Vẹt hainesii trong tự nhiên, trong năm 2022 Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã đề nghị Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ Vườn Quốc gia Côn Đảo thực hiện các nghiên cứu, dự án về bảo tồn và phát triển loài Vẹt hainesii phân bố ở rừng ngập mặn Vườn quốc gia Côn Đảo. Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã chấp thuận và đặt hàng Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen loài Vẹt hainesii (Bruguiera hainesii C.G. Rogers) cực kỳ nguy cấp ở Vườn quốc gia Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu”. Đề tài dự kiến sẽ thực hiện trong 02 năm (năm 2023 và 2024) sau khi được cấp có thầm quyền phê duyệt.
Thực hiện: Lê Hồng Sơn
Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế