• Hotline Contact Work: 02543 830 150
  • Hotline Con Dao Tour: 0983 830 669
  • Hotline Report violations: ...

KHU RAMSAR VƯỜN QUỐC GIA CÔN ĐẢO – CƠ HỘI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC

Wednesday, 29/10/2014, 09:13 GMT+7
4013 xem
Chia sẻ:

Các vùng đất ngập nước ở Côn Đảo có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, văn hóa lịch sử và tín ngưỡng. Đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học, bởi đó là “ngôi nhà” của rất nhiều loài sinh vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Những giá trị đó đã được khẳng định khi ngày 18/6/2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã ký quyết định công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế (Wetlands of International Importance) thứ 2.203 của thế giới. Như vậy, Vườn quốc gia Côn Đảo là Khu đất ngập nước quan trọng (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Sự kiện Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế là vinh dự lớn cho huyện Côn Đảo, cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và của cả Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận danh hiệu Ramsar, là sự đánh giá tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học của Côn Đảo còn tương đối nguyên vẹn, đa dạng và phong phú. Các nguồn tài nguyên này là tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững dân sinh, kinh tế, xã hội huyện Đảo.

 

Bò biển - Dugong dugon.jpgSự kiện này tạo cơ hội phát triển lớn về giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế… bên cạnh đó cũng có rất nhiều thách thức cho công tác bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước tại Côn Đảo để thực hiện sứ mạng của Công ước Ramsar là: “Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”.

Côn Đảo có tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, khai thác chế biến hải sản, phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Bờ biển dài hơn 200km, có nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ như bãi Đất Dốc, Bãy Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, ... Thêm vào đó khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển với nhiều loại động, thực vật đặc hữu, quý và hiếm như Rùa biển, Du gong, Cá heo… Nói đến Côn Đảo, ai cũng biết nơi đây có hệ thống nhà tù của Pháp, Mỹ với nhiều trại giam lớn như: trại Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, chuồng Cọp, chuồng Bò… cùng khu nhà Chúa Đảo và khu nghĩa trang Hàng Dương nơi chôn cất hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong hai thời kỳ kháng chiến… Tất cả những điều kể trên là tiềm năng du lịch của Côn Đảo với các loại hình phong phú như: Du lịch tắm biển nghỉ ngơi, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái (lặn, câu cá, leo núi, tham quan rừng biển, sinh vật biển...). Hàng năm Côn Đảo đón hàng trăm nghìn lượt khách đến du lịch… Với sự kiện Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar sẽ có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới biết đến và tạo cơ hội kêu gọi các tổ chức quốc tế và trong nước tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật nhằm bảo tồn, sử dụng khôn khéo và phát triển có hiệu quả khu Ramsar này.

Đồi mồi - Eretmochelys imbricata 1.JPGTuy vậy, trước áp lực phát triển của Côn Đảo như hiện nay khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và các mối đe dọa như: Chưa có luật riêng về Đất ngập nước, tác động của biến đổi khí hậu, hệ quả của khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản quá mức và không đúng cách, gia tăng chất thải ra ven biển, áp lực về gia tăng dân số, nhận thức của cộng đồng còn thấp...

Trước các mối đe dọa tiềm tàng và các áp lực hoạt động phát triển kinh tế-xã hội đối với Côn Đảo và khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo hiện nay, cần tiến hành ngay giải pháp xây dựng và thực hiện Quy chế quản lý bền vững cho khu ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo dựa trên những quy luật sinh thái và những đặc điểm riêng biệt của hệ sinh thái đất ngập nước. Trong Quy chế này phải thể hiện rõ trách nhiệm của Ban quản lý khu bảo tồn, cơ quan quản lý cấp tỉnh và Trung ương về đào tạo kỹ năng bảo tồn đất ngập nước. Đầu tư vốn cho các hoạt động kiểm kê, theo dõi, giám sát đa dạng sinh học; tạo cơ chế phát triển nguồn thu từ các dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ hệ sinh thái và cơ chế chia sẻ lợi ích theo đặc thù của vùng đất ngập nước. Bên cạnh đó đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động bảo tồn và sử dụng hợp lý đất ngập nước tại Côn Đảo.

Các mục tiêu, nhiệm vụ sử dụng bền vững tài nguyên cảnh quan, đa dạng sinh học Côn Đảo để phát triển cộng đồng đã và đang được triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, để giữ vững danh hiệu Vườn quốc gia Côn Đảo là Khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động đầu tư và phát triển du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia Côn Đảo; gắn lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên; đẩy mạnh xã hội  hóa các nguồn lực để  thực hiện nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên đất ngập nước tại Côn Đảo.

Chia sẻ:
comments