• Hotline Contact Work: 02543 830 150
  • Hotline Con Dao Tour: 0983 830 669
  • Hotline Report violations: ...

Gian nan quá trình khai thác yến ở Côn Đảo

Thursday, 21/11/2024, 11:28 GMT+7
262 xem
Chia sẻ:
Khi nhắc đến Tổ yến tự nhiên, chúng ta liền nghĩ ngay tới món ăn có giá trị dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên, để có được món ăn có giá trị như vậy, thì quá trình khai thác yến cũng vô cùng gian nan và đầy nguy hiểm. Sau đây là ghi nhận từ quá trình khai thác Yến tại quần thể Yến Hàng tại Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu do Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Công ty Yến Sào Khánh Hòa thực hiện.

Các tổ chim yến tại quần thể Yến Hàng tại Vườn Quốc Gia Côn Đảo được kết tinh từ hương vị của biển cả, rừng núi bao la và cả những cơn gió luồn qua những kẽ đá, mang mùi vị đặc trưng của yến đảo thiên nhiên. Đây chính là sản vật quý giá của đất trời ban tặng cho Côn Đảo. Từ năm 2011 cho đến nay, được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh, BQL VQG Côn Đảo hợp tác với Công ty Yến Sào Khánh Hòa thực hiện đề án, phương án về bảo tồn, phục hồi và phát triển quần thể chim yến Hàng tại VQG Côn Đảo và tổ chức khai thác bền vững nguồn lợi Yến Sào theo định kỳ. Hằng năm, các đơn vị phối hợp tổ chức khai thác tổ yến theo vụ tại các hang yến phân bố tại Hòn Thỏ, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Cau, Vịnh Đầm Tre, Bông Lan và mũi Việt Minh. 

Loài chim Yến thường làm tổ ở những vách đá dựng đứng cheo leo, thiếu ánh sáng để tránh được con mắt của những kẻ săn mồi như cú, dơi hay các loài chim khác, do vậy, việc khai thác Yến phải trải qua quá trình vô cùng gian nan và hiểm nguy. Sau khi thắp nén hương xin phép, đội khai thác yến bắt tay vào công việc tạo dựng giàn giáo trong hang đá bằng những thân cây tre dài và cứng, buộc chặt với nhau bằng những sợi dây thừng. Kiểm tra giàn giáo phải thật cứng cáp, vững chắc, những người khai thác sau đó mới bắt đầu giẫm chân trèo lên, dần lách vào sâu những hang đá dựng đứng, dùng đèn pin chiếu sáng để thấy những tổ yến và cầm dụng cụ chuyên dụng để lấy tổ yến xuống. Công việc cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng nên đòi hỏi người khai thác yến phải có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm trong công việc, đồng thời phải cẩn thận, tỉ mỉ từng bước chân men trên giàn giáo để không bị trơn trượt, sơ sẩy.

z6030556699109_3cde1e99db47a5b27ac318cf080b1899_1

Có những đoạn hang hẹp phía trên cao ở các hang yến tại hòn Bông Lan hay Mũi Việt Minh, chỉ đủ lọt thân người, đội khai thác phải dùng những đoạn tầm vông ngắn đóng giữa hai vách đá cột chặt với 1, 2 thân tre dài cứng cáp theo phương thẳng đứng, sau đó, bám vào sợi dây thừng (đã được được buộc chặt phía trên) để đu lên, giẫm chân vào các đoạn tầm vông để leo lên cao, len lỏi trong khe hẹp, di chuyển vào sâu để đến được nơi chim yến làm tổ. Ở những nơi khe đá quá sâu tại Mũi Việt Minh, bị khuất tầm nhìn không thể thấy tổ yến, cũng không thể chui người vào, những người khai thác phải giăng 1 tấm lưới phía dưới chân hang, rồi đứng trên dàn giáo, dùng “camera” đưa vào sâu trong khe đá để soi chiếu. Qua hình ảnh trên camera,  xác định được vị trí tổ yến, sau đó mới dùng dụng cụ móc cho tổ yến rơi xuống tấm lưới. Với sáng kiến mới này, đội khai thác mới có thể lấy tổ yến tại những nơi có vị trí hiểm hóc tưởng chừng như không thể khai thác.

z6030556713179_a04e0bf908397f9a91dab0a8e4312609

Những tổ yến sau khi thu hoạch được kiểm đếm chuẩn xác và đưa về nhập kho bảo quản và được sơ chế vào ngày kế tiếp. Yến Sào sau khi sơ chế được sấy khô, phân loại tạm  thời và bảo quản, trình Hội đồng phân loại, nghiệm thu sản phẩm Yến Sào. Sau khi được nghiệm thu, Yến Sào sẽ được đóng gói và bán lẻ theo giá bán đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài khai thác tổ yến, trong các vụ thu hoạch, trứng chim yến cũng được nhặt để đem về, chuyển giao cho Phòng Bảo Tồn và Hợp tác Quốc tế ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến con, sau khi trưởng thành sẽ thả lại vào các hang yến Vườn quốc gia Côn Đảo. Đây là một cách hiệu quả để vừa khai thác bền vững, vừa bảo vệ, nâng niu sự sống cho loài chim vô cùng quý hiếm này.

z6030556704642_78dc3a0b72d1129b4213512834b95c5e

Yến sào là sản vật thiên nhiên có giá trị cao,mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội của Huyện Côn Đảo, do vậy, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phục hồi, phát triển bền vững quần thể chim Yến Hàng phân bố tại Vườn quốc gia Côn Đảo luôn được chú trọng. Các hang yến luôn được cắt cử lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt, mỗi hang thường có 2-3 người thực hiện nhiệm vụ canh gác, xua đuổi địch hại xâm nhập hang yến, ngoài ra, thực hiện một số công việc khác như nuôi côn trùng, tạo nguồn thức ăn cho chim yến, cứu hộ chim non rơi khỏi tổ, làm mái che cho hang yến, cải tạo hang cấu trúc bên trong hang để dẫn dụ yến về làm tổ,… Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cũng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật kinh nghiệm từ Công ty Yến Sào Khánh Hòa, qua đó, chủ động tổ chức hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững bằng các giải pháp kỹ thuật, nhằm phục hồi và bảo tồn, phát triển nguồn gen Yến Hàng Côn Đảo.

Tin bài - Văn Thắng

 

Chia sẻ:
comments