Chúng tôi lên chiếc cano cao tốc, lướt qua làn sóng biển xanh, chỉ 15 phút sau đã đến Hòn Tài. Đón chúng tôi là hình ảnh của các anh kiểm lâm tay bắt mặt mừng và những cây Bàng Vuông – loài thực vật rừng ngập mặn hiếm gặp tại Việt Nam. Tiếp theo, chúng tôi được giới thiệu về gia đình Khỉ Mặt Đỏ, những cư dân thường xuyên của Trạm Kiểm Lâm Hòn Tài.
Với sự hướng dẫn của anh Hoàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm Lâm, chúng tôi đi bộ xuyên qua khu rừng nguyên sinh, ngắm nhìn các loài cây đặc trưng như Bàng Vuông, Găng Néo, Bằng Lăng Ổi. Khi rừng mở ra, biển xanh hiện ra trước mắt, và chúng tôi đã đặt chân đến Cột Mốc A3 thiêng liêng – một khoảnh khắc đáng nhớ.
Điểm cơ sở A3 - Hòn Tài
Chuyến hành trình tiếp tục bằng cano, đưa chúng tôi đến Hòn Bông Lan. Tại đây, chúng tôi tìm hiểu về các loài chim biển và công tác bảo tồn yHến tự nhiên. Tiếp theo, chúng tôi ghé thăm Điểm A4 trên đường cơ sở Việt Nam, nơi giữ trọn vẻ đẹp hoang sơ.
Điểm cơ sơ A4 - Hòn Bông Lan
Tiếp tục đến Hòn Bảy Cạnh, chúng tôi khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh, một hệ sinh thái đặc biệt đã được công nhận là Khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Tại Trạm Kiểm Lâm Hòn Bảy Cạnh, chúng tôi được tìm hiểu về Hòn Bảy Cạnh, "thiên đường của rùa biển", và thăm Hồ Ấp Trứng Rùa Nhân Tạo.
Bữa trưa được các anh kiểm lâm chuẩn bị chu đáo, với tình cảm dành cho khách phương xa. Sau đó, anh Đồng dẫn chúng tôi đến Cột Mốc A5, một trong những điểm mốc thiêng liêng của Vườn Quốc Gia Côn Đảo.
Điểm cơ sở A5 - Hòn Bảy Cạnh
Cuối buổi chiều, chúng tôi có cơ hội lặn ngắm san hô với vẻ đẹp đa dạng của các loài sinh vật biển. Đường cơ sở, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo, là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.
Chuyến đi này không chỉ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời mà còn giúp chúng tôi thêm hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tin bài - Thanh Mùi