Vừa qua, ngày 3/11, trong lúc tuần tra bảo vệ rừng trên tuyến đường mòn trên hòn Bảy Cạnh - Vườn Quốc gia Côn Đảo, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo đã phát hiện Bồ câu Nicoba xuất hiện. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của loài Bồ câu Nicoba tại lâm phần Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Loài Bồ câu Nicoba quý hiếm được phát hiện tại hòn Bảy cạnh
Trong danh lục các loài chim tại Côn Đảo, Bồ câu Nicoba là một trong 6 loài trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tại Việt Nam, loài này chỉ xuất hiện tại Côn Đảo và đang được Vườn Quốc gia Côn Đảo lên kế hoạch bảo vệ, phát triển loài chim quý hiếm.
Đặc tính giống chim quý chỉ có tại Côn Đảo
Bồ câu Nicoba thuộc bộ Bồ câu Columbidae, họ Bồ câu Columbiformes, giống Bồ câu Caloenas, loài Bồ câu Nicobarica. Tại Việt Nam, chúng còn có các tên gọi khác như: Bồ câu Lông cổ, Bồ câu Đuôi trắng, Bồ câu Kền Kền.
Khi trưởng thành, loài bồ câu này có chiều dài khoảng 34 cm, với bộ lông trên cơ thể có màu xanh kim loại pha với màu đồng trong rất đẹp. Lông cổ dài ra hình thành một lớp xếp nếp (giống Gà trống). Các lông cánh bậc ba, thứ cấp và sơ cấp có màu hơi đen và màu xanh tím óng ánh, đặc biệt nổi bật trên lông cánh bậc ba.
Chim có đuôi rất ngắn với lông màu trắng, được ẩn phía dưới bởi đôi cánh và hầu như chỉ nhìn thấy khi bay. Riêng phần lông ở dưới bụng của chim thì hoàn toàn có màu đen bóng.
Loài chim này có đặc điểm ở phần đầu dễ nhận biết, có một cục u nhỏ màu đen nằm ở trên gốc mỏ màu đen hình móc câu (gần vùng trán). Cục u này thường lớn hơn ở con trống. Mống mắt có màu nâu hơi đậm (từ màu xám đậm cho đến màu xám trắng), màng trong mắt thì có màu đen. Chân khoẻ và lớn có màu đỏ xám đậm với những móng vuốt dài màu vàng nhạt.
Khi chưa trưởng thành, con non của loài này lông màu đen bóng. Lúc chim non sắp rời tổ thì bộ lông trở nên bóng loáng giống như chim trưởng thành, trừ lông đuôi có thể có một phần màu đen, và chân màu hơi nâu.
Bồ câu Nicoba làm tổ rất đơn giản ở trên cành cây. Nguồn st
Bồ câu Nicoba kiếm ăn ở trên mặt đất, ở những vùng đất tương đối bằng phẳng có nhiều lá cây rụng. Chúng tìm thức ăn bằng cách hất lá cây sang một bên và dùng mỏ để bới tìm. Thức ăn chủ yếu của chúng là những trái cây rừng, đặc biệt là những hạt rất cứng, và một vài động vật không xương sống ở mặt đất. Loài này thường thấy đi lẻ kiếm ăn một mình, có khi thấy đi đôi hoặc ba con. Thỉnh thoảng thấy chúng kiếm ăn cùng với loài bồ câu xanh. Thời gian tìm thức ăn kéo dài cả ngày từ sang đến chiều tối.
Khu vực kiếm ăn của giống bồ câu này thường ở hai sinh cảnh chính là rừng ngập mặn và sinh cảnh rừng thường xanh nửa rụng lá. Còn sinh cảnh sống và làm tổ chỉ ở các đảo nhỏ yên tĩnh, nơi có nhiều cây cối, không có mặt của con người và không bị tác động.
Ở Côn Đảo, loài chim này tập trung phần lớn ở đảo Bảy Cạnh. Ngoài ra qua sự thu thập thông tin và tổng hợp tài liệu thì chim Bồ câu Nicoba cũng có phân bố tại các khu vực như Bến Đầm và Rađa.
Bồ câu Nicoba chưa trưởng thành có bộ lông và màu sắc chưa hoàn thiện.
Tổ của loài Bồ câu Nicoba này rất đơn giản, có khi chỉ có 3 đến 4 que cây nhỏ nhưng được sắp xếp một cách chắn chắc để cho trứng không bị rơi ra ngoài. Một tổ chỉ có duy nhất một trứng, trứng có kích thước lớn và có màu trắng.
Cả chim trống và chim mái cùng ấp trong khoảng 27-29 ngày thì chim non rời khỏi vỏ. Lúc này, chim non được nuôi đủ lông đủ cánh trong khoảng thời gian từ 5-6 tuần và sau 2 tuần nữa thì có thể tự kiếm ăn và sống độc lập.
Lên kế hoạch nghiên cứu để bảo tồn, phát triển loài chim quý hiếm.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, dù đây là một loài chim quý hiếm ở cả Việt Nam và thế giới, có giá trị cả về mặt khoa học và thẩm mỹ, nhưng đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về loài chim này trừ chuyên đề khảo sát cấp cơ sở trước đó.
Nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn loài chim này trong thời gian tới, Vườn quốc gia Côn Đảo đã xây dựng những kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, bao gồm các hoạt động tăng cường bảo vệ, tăng cường theo dõi nghiên cứu và tuyên truyền để người dân nắm bắt, nâng cao ý thức chung tay cùng bảo vệ loài chim quý hiếm và xinh đẹp này.
Cụ thể, Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra ở nơi có bồ câu Nicoba; ban hành các quy định nghiêm cấm phá họai điều kiện sinh cảnh và can thiệp kịp thời những hành vi, hoạt động của tổ chức hay cá nhân làm ảnh hưởng đến sinh cảnh của chim cũng như các động vật khác; xử phạt nghiêm khắc với các hoạt động săn bắt chim, lấy trứng...
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Côn Đảo tăng cường theo dõi nghiên cứu loài Bồ câu Nicoba ở mức độ cao hơn, từng bước hình thành khu nghiên cứu, khoanh vùng tập trung theo dõi để nắm rõ hơn về hoạt động sinh thái nhằm phục vụ cho công việc bảo tồn và phát triển của loài bồ câu này.
Ông Lê Hồng Sơn chia sẻ thêm, thời gian tới, Vườn Quốc gia Côn Đảo triển khai tuyên truyền, giáo dục môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng ở địa phương mà đặc biệt là học sinh, bộ đội, ngư dân; khách du lịch tham quan để nắm bắt về tầm quan trọng cũng như công tác bảo tồn và phát triển bồ câu Nicoba.
Đặc biệt, Vườn Quốc gia Côn Đảo dự kiến kết hợp các đơn vị tổ chức, hình thành các tuyến du lịch sinh thái như tuyến trạm kiểm lâm Bảy Cạnh - Hải Đăng, giới thiệu cho khách tham quan sự kết hợp hài hòa của động thực vật rừng, qua đó tuyên truyền hữu hiệu tạo sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên; làm tăng thêm ý thức tình cảm để mọi người cùng nhau góp phần vào việc bảo tồn đa dạng sinh học./.
Tác giả
Phùng Hải - Nhân viên Phòng Kế hoạch Tài chính - Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo