Đi xem rùa đẻ

Thứ năm, 16/07/2009, 09:25 GMT+7
2424 xem
Chia sẻ:

Cứ vào đầu tháng 4, rùa lại tìm đến các bãi cát ven biển Côn Đảo để đẻ trứng. Những trái trứng tròn xoe như quả bóng bàn, trăm trứng giống nhau như một.

15h, chúng tôi kéo nhau lên ca nô đi từ cầu tàu ra Hòn Bảy Cạnh để xem rùa đẻ. Ca nô vừa vào đến bãi đã có người ra đón nhắc nhở: “Các anh chị đi lại thật nhẹ nhàng, không tắm biển giờ này tránh làm rùa sợ” 

Thấy mọi người háo hức quá, anh Hậu lại xách đèn pin đi soi lần nữa. Chừng 15 phút sau, anh quay về cho biết có một con rùa vừa lên bãi, đang tìm chỗ làm tổ. Mọi người nhao lên, vội vàng cầm máy ảnh, đèn pin chạy ra bãi. Anh Hậu vội ngăn lại dặn dò kỹ lưỡng, khi nào anh gọi mọi người mới được lại chỗ rùa đẻ vì nếu thấy động rùa sẽ không làm tổ nữa mà quay về biển ngay. Ngoài ra, nếu thấy động, những con khác cũng không dám lên bờ đẻ nữa. Khi nào thấy rùa đẻ trứng vào tổ rồi hãy lại gần chụp hình, không được làm rùa sợ.

Thế là chúng tôi ngồi lại trên bãi biển để chờ rùa đẻ. Âm thanh sột soạt, tiếng bới cát của rùa hòa vào tiếng sóng biển càng làm chúng tôi hồi hộp hơn. Trên bãi cát trắng còn in rõ dấu vết của rùa lên. Đó là những đường thẳng song song nhau, cách nhau khoảng gần 1m , qua đường thẳng ấy ai cũng quả quyết con rùa này khá lớn.  

"Tận mục sở thị"

Hơn 21h, tắt đèn pin, chỉ nhờ vào ánh sáng của chùm sao trên trời, chúng tôi rón rén bước lại gần rùa. Những bức chân trần trên cát không gây ra tiếng động nào ảnh hưởng đến quá trình đào tổ của rùa. Hai bơi trước của nó quạt đất thật mạnh để tạo thành mặt phẳng, tiếp sau đó rùa dùng bơi sau bới đất hất lên phía trên tạo thành một cái tổ hình trụ có chiều sâu khoảng 70 cm, đáy tổ rộng chừng 30 cm, miệng tổ nhỏ hơn rộng chừng 20 cm.

Rùa nằm bít gần hết miệng tổ. Nhìn sơ con rùa nặng không dưới 150 kg, chiều dài mai gần 100 cm, rộng cỡ 87 cm. Một tiếng bịch nhỏ xíu vang lên, ai cũng lờ mờ đoán đấy là tiếng trứng rơi xuống tổ. Lúc này cũng là lúc rùa say đẻ, nó không còn sợ ánh sáng đèn pin hay tiếng động lạ như lúc bắt đầu đào tổ nữa. Lại thêm một tiếng bịch, rồi liên tiếp âm thanh ấy vang lên. Đèn pin bật sáng, chúng tôi được tận mắt chứng kiến thấy trứng rơi xuống tổ. Những trái trứng rùa tròn xoe như quả bóng bàn còn dính cả chất nhầy.

Thò tay lấy một quả ra khỏi tổ, anh Hậu đưa cho tôi dặn phải cầm thật nhẹ vì trứng rùa mới đẻ có vỏ can-xi nhưng mềm không cứng như trứng gà, trứng vịt. Con rùa say đẻ nằm im lìm để mặc chúng tôi chụp hình lia lịa. Anh Hậu cho hay, nếu đang đẻ mà gặp trời mưa lập tức hai bơi sau của rùa sẽ khép lại che kín mặt tổ để nước mưa không rơi xuống tổ làm hư trứng. Mỗi lần lên bãi đẻ như thế, rùa thường đẻ trung bình từ 70 - 120 trứng, có khi nhiều hơn nữa.

Trước khi đẻ, rùa quan sát tình hình rất kỹ trước khi làm tổ. Có nhiều khi rùa chỉ lên bãi thám thính xem tình hình có thuận lợi để đẻ không? Nếu thấy có gì bất ổn nó sẽ nhịn đẻ một hai ngày chờ thời cơ thích hợp sẽ đẻ sau. Rùa thường chọn những bãi cát bằng phẳng, cao ráo tránh thủy triều lên ướt tổ để đào tổ đẻ.

Rùa đẻ liên hồi, ước chừng tổ đó cũng phải hơn 100 trứng. Chúng tôi lui ra xa ngồi chờ rùa đẻ xong tiễn nó quay về biển. Ngồi trên bãi cát trắng, hứng những cơn gió mát lành và được nghe anh hậu kể về loài vật đặc biệt này. Anh hậu kể bằng một chất giọng thật huyền bí như chính sự huyền bí của loài rùa biển này.

Bí ẩn rùa biển

Khi lên bờ nhìn chúng nặng nhọc như thế nhưng xuống nước rùa biển bơi rất nhanh. Vận tốc bơi trung bình của rùa xanh mới nở trong 6 giờ đầu là 35 m/phút. Giọng anh Hậu cứ say sưa kể về rùa với thứ tình cảm thật đặc biệt. Sau khi đẻ xong, rùa sẽ lấp tổ, tạo một hiện trường giả để chúng ta không thể nhận ra được đâu là tổ thật. Đẻ xong, rùa mẹ quay về với biển không một lần trở lại xem tổ của mình thế nào.

 

Mỗi mùa sinh sản, rùa mẹ có thể lên bãi đẻ nhiều lần. Đặc biệt, loài rùa biển có thể bắt cặp với nhau từ 2 - 3 phút nhưng có khi lên đến 119 giờ. Rùa cái có khả năng cất giữ tinh trùng bên trong sừng tử cung trong thời gian khá dài. Đối với rùa con lại càng bí ẩn hơn. Sau 50 - 60 ngày, trứng rùa nở, những chú rùa con ngoi lên khỏi tổ cát và như lập trình sẵn, chúng bơi như điên như dại ra biển. Đầu của chúng hướng về biển, bơi một mạch dù cho ta có đem chúng vào rừng thì chúng cũng tìm về với biển.

Nhưng thú vị nhất là sau khi trưởng thành, đến kỳ sinh sản (khoảng 35 năm sau) những chú rùa con ấy lại tìm đường quay về nơi chúng đã sinh ra và làm tổ đẻ ngay tại đó dù đã bơi đi xa hàng nghìn km. Tuy nhiên, tỷ lệ trứng nở khá cao, khoảng 70 - 80% nhưng 1.000 con rùa con mới có một con sống được đến tuổi trưởng thành vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ông Huỳnh Văn Khoa là cư dân trên đảo nhiều năm nay nhớ lại, thời trước ở Côn Đảo, thịt rùa biển được bán nhiều như thịt heo bây giờ vậy. Đám cưới nhà nào cũng phải có vài con rùa làm sính lễ. Thịt rùa thì làm thức ăn, mai rùa, mai đồi mồi làm hàng trang sức mỹ nghệ. Nhưng từ khi có chương trình nghiên cứu và bảo tồn rùa biển đến nay thì không còn tình trạng bắt rùa như trước nữa.

Anh Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết hiện nay, Côn Đảo là nơi có nhiều rùa biển nhất Việt Nam và cũng là nơi nhiều rùa mẹ lên bãi làm tổ nhất. Vì thế phải bảo tồn nghiêm ngặt, cấm mọi hành vi săn bắt rùa biển. Ngoài ra, để tạo môi trường trong lành cho rùa lên đẻ, thì vườn quốc gia Côn Đảo còn cấm tàu bè ra vào bãi rùa đẻ sau 14g, cấm tắm biển ở khu vực bãi rùa đẻ sau 14g. Đặc biệt hạn chế số lượng người ra vào bãi để tránh làm rùa kinh hãi không dám vào bãi đẻ. Rùa lên bãi đẻ sẽ được kiểm lâm ở đó đo chiều dài, chiều ngang của rùa và bấm thẻ để theo dõi số lượng rùa vào bãi.

Dứt câu chuyện cũng gần 24h, rùa mẹ đã lấp xong ổ, đang cố gắng trườn mình về phía trước để quay đầu về với biển. Khó khăn lắm nó mới trườn được qua đám đá sỏi để trầm mình dưới làn nước biển mát lạnh. Khi bóng rùa đã khuất, mọi người mới lững thững đi về, lúc đó đã quá nửa đêm.

 

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc